You are using an outdated browser. For a faster, safer browsing experience, upgrade for free today.

Loading...

Phép màu kinh tế Singapore dưới bàn tay Lý Quang Diệu


  • Th3 25, 2015
  • đã xem 1022 lần

Từ một nước thuộc thế giới thứ ba, Singapore vươn mình thành một quốc gia hàng đầu thế giới về mọi phương diện dưới sự dẫn dắt của vị lãnh đạo họ Lý.

Khi các nhà lịch sử ghi chép lại sự trỗi dậy của những con rồng châu Á, họ thường tập trung hơn vào những nền kinh tế lớn nhất khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và những nhà lãnh đạo tại đây. Nhưng có một cái tên mà khi nhắc đến, người ta lập tức nghĩ ngay đến một biểu tượng chói sáng, con người tiên phong xuất chúng, người sáng lập nên quốc gia nhỏ bé nhưng phú cường bậc nhất khu vực – cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.

Ít ai phản đối rằng những gì ông Lý Quang Diệu đã làm với quốc gia nhỏ bé của mình là một phép màu về mặt kinh tế. Từ một nước thuộc thế giới thứ ba, Singapore hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Nơi đây cũng ghi dấu ấn là một ốc đảo xanh và sạch tuyệt đối với những học viện, đại học danh tiếng và nền kinh tế thị trường rộng mở.


Ông Lý Quang Diệu trong chuyến thăm Tây Đức năm 1979. Ảnh: AP

Chỉ với diện tích 715 km2, song Singapore thuộc nhóm có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới. Năm 1965, thu nhập bình quân của người dân ở mức 500 USD, đến năm 1991 con số này lên 14.500 USD và ngày nay đạt mức 55.000 USD.

Nhiều cuốn sách, nghiên cứu đã được viết ra để cố gắng miêu tả phép màu này. Sau thời gian dài là thuộc địa của Anh, hòn đảo nhỏ bé này đã biến đổi ngoạn mục chỉ trong vòng ít năm khi giành quyền tự trị năm 1959 dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Lý Quang Diệu; nhập vào với Malaysia năm 1963 và tách ra thành một quốc gia độc lập năm 1965.

Lúc này, đất nước Singapore đang gặp nhiều khó khăn. Dân số của quốc gia mới thành lập là một tập hợp những người nhập cư, dân buôn bán nhỏ, có cả những người bị kết án tù và một nhóm thương nhân, kinh doanh – vốn bị ảnh hưởng nặng nề sau các xung đột kinh tế và sắc tộc, tài nguyên nghèo nàn. Nhiều nhận xét dành cho Singapore lúc này cho rằng tương lai của đất nước không mấy hứa hẹn.

Người đứng đầu – ông Lý Quang Diệu đã nhìn thấy con đường mà ông sẽ đưa đất nước tiến lên. Sau khi rời khỏi Liên minh Malaysia, ông xác định Singapore cần phải nhìn vượt lên trên người láng giềng không mấy thân thiện và làm giàu bằng cách xuất khẩu những sản phẩm cao cấp cho các nước giàu ở phương Tây và Nhật Bản.


Singapore năm 1941, khi Lý Quang Diệu còn trẻ.Ảnh: AP

Một trong những dấu ấn quan trọng nhất mà ông Lý Quang Diệu đã làm để phát triển kinh tế là thành lập Ban Phát triển Kinh tế (EDB) ngay từ năm 1961 với mục đích tạo lập nên các chính sách kinh tế quốc gia. Ban đầu, EDB tập trung vào ngành công nghiệp sản xuất, thu hút vốn đầu tư. Nhiều tập đoàn công nghiệp được thành lập. Chính sách thuế hấp dẫn, chi phí hoạt động thấp cùng môi trường nhân công nói tiếng Anh đã thu hút hàng loạt tập đoàn, công ty của nước ngoài ồ ạt đổ đến Singapore làm ăn. Nước này cũng thu hút được hai đại gia dầu lửa của thế giới là Shell và Essco đến xây dựng nhà máy lọc dầu. Đến giữa năm 1970, Singapore trở thành trung tâm lọc dầu lớn thứ ba thế giới.

Theo lý giải của một trong số các nhà lãnh đạo EDB, sự cởi mở về mặt thu hút vốn đầu tư được áp dụng ngay từ những ngày đầu thành lập, khi nhận ra rằng các tập đoàn đa quốc gia khi đến Singapore sẽ mang theo cả hệ thống phân phối và thị trường của họ. Do đó, khi các tập đoàn sản xuất tại đây và xuất khẩu ra nước ngoài, họ cũng mở ra cho Singapore cánh cửa tới phần còn lại của thế giới.

Sau những ngành mũi nhọn ban đầu là công nghiệp, sản xuất, EDB cũng tập trung phát triển các ngành dịch vụ nhờ sự phát triển của ngành bến cảng và thương mại. Trải qua nhiều thời kỳ phát triển, ngành sản xuất cũng chuyển dịch từ hàm lượng kỹ thuật thấp đến cao, như chất bán dẫn, đồ điện tử… Ngày nay, EDB tập trung vào các chính sách phát triển công nghiệp sáng tạo, hàm lượng chất xám cao bao gồm công nghệ nano y sinh và công nghệ sạch. Cơ quan này hiện quản lý 21 văn phòng ở 12 quốc gia, trong đó có 6 văn phòng ở Mỹ. Các khoản đầu tư và những ngành công nghiệp do EDB giám sát hiện đóng góp 40% GDP của cả nước.

Dấu ấn quan trọng khác mà ông Lý Quang Diệu đã tạo ra là Ban Phát triển Nhà ở (HDB) vào đầu những năm 1960, một thay đổi ảnh hưởng đến đại đa số dân chúng Singapore sau này.

Vào những ngày đầu, mục tiêu quan trọng nhất của HDB là xây được càng nhiều các chung cư giá rẻ càng tốt, nhằm giúp người dân có thể thuê được chỗ ở chất lượng với chi phí thấp. Chỉ trong một thời gian ngắn, HDB đã biến đổi những khu đầm lầy thành các tòa nhà chung cư; giúp những người gốc Singapore, hay gốc Trung Quốc, Malaysia, Ấn rời khỏi đặc khu của mình để hòa nhập vào các cộng đồng chung được quy hoạch ngăn nắp.


Hình ảnh Singapore ngày nay. Bức ảnh chụp một trong những biểu tượng mới của Singapore – tòa nhà Marina Bay Sands năm 2014. Ảnh: Reuters

Giai đoạn sau này, người dân được phép mua lại những căn hộ mà họ đã thuê. Chính phủ cũng trải qua nhiều lần nâng cấp, thay mới những tòa nhà cũ để đem lại cho người dân cuộc sống tốt hơn. Ngày nay, 82% dân cư Singapore sống trong các căn hộ do HDB cung cấp.

Để nói về thành công kinh tế của Thủ tướng Lý Quang Diệu, có thể nhắc đến những tập đoàn, công ty được thành lập dưới thời ông mà nay đã trở thành những cái tên lừng danh thế giới. Năm 1968, Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS) được thành lập và nay, DBS trở thành ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á. Năm 1972, Singapore Airlines ra đời và hiện là một trong 5 hãng hàng không lớn nhất châu Á về mặt giá trị thị trường.

Năm 1974, công ty đầu tư của Nhà nước Temasek Holdings được thành lập nhằm quản lý các khoản đầu tư và tài sản của Chính phủ. Ngày nay, Termasek quản lý khối tài sản 162 tỷ USD, với CEO là bà Ho Ching, vợ của Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long. Còn năm 1981, Singapore khai trương sân bay Changi và ngày nay thành một trong sân bay quốc tế hàng đầu thế giới.

Ngoài khía cạnh kinh tế, Chính phủ của ông Lý Quang Diệu cũng nhấn mạnh vào hệ thống giáo dục. Singapore áp dụng tiếng Anh vào ngôn ngữ trong trường học ngay từ những ngày đầu, nhấn mạnh vào giáo dục thực hành với mục đích tạo ra những lực lượng lao động tay nghề cao, hoàn toàn thích ứng với ngành công nghiệp, việc làm ngay sau khi ra trường.

Những ảnh hưởng của ông còn tiếp tục kể cả sau khi rời chức vụ Thủ tướng năm 1990 để trở thành Bộ trưởng cấp cao năm 2004 và Cố vấn cấp cao năm 2011. Với những thành công xuất chúng của mình, một cuốn sách về ông năm 2013 đã viết: “Khi Lý Quang Diệu nói, Tổng thống, Thủ tướng, các nhà ngoại giao, các CEO đều phải lắng nghe”.

(Theo Vnexpress)

Tác giả
PHS School
PHS School

Trường tiểu học, trung học cơ sở & trung học phổ thông Thái Bình Dương là trường song ngữ Việt - Anh được tổ chức hoạt động theo tiêu chuẩn Quốc tế nhằm phát triển các năng lực then chốt, giúp học sinh hòa nhập với các nền giáo dục tiên tiến toàn cầu và phát triển tối đa năng lực cá nhân.