You are using an outdated browser. For a faster, safer browsing experience, upgrade for free today.

Loading...

Một góc Tết Sài Gòn


  • Th2 16, 2015
  • đã xem 472 lần

Đọc báo thấy mọi người bàn tán um sùm về thân phận người phụ nữ khổ vì Tết. Riêng mình thấy Tết thật tuyệt. Từ nhỏ tới giờ (trừ mấy năm du học) mình chỉ ăn Tết ở Sài Gòn, nhất định không đi đâu.

Sài Gòn thật sự đẹp những ngày Tết. Khi rất nhiều người về quê hay đi chơi xa, Sài Gòn lột xác, trở nên rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ, hoa, đèn rực rỡ. Với nghề giáo, được nghỉ 2 tuần, Tết là thời điểm sống chậm, thư giãn, trở về với cội nguồn và tập quán xưa.

Lúc trẻ con bắt đầu được nghỉ học là Tết tràn về. Đàn ông, con trai dọn nhà. Đàn bà, con gái vô bếp. Gian bếp bắt đầu tỏa mùi bánh, mứt thơm ngon làm các nhóc chạy tới chạy lui hít hà, hỏi han, chờ nếm. Dù cho thứ gì cũng bán sẵn, mình vẫn muốn các con được sống trong những mùi thơm quyến rũ này, được ăn những món có hàm lượng chất xám và yêu thương cao. Mấy đứa bạn siêng năng chạy vòng vòng biếu nhau những sản phẩm nhà làm, vội vã dặn dò “ Tết tao bận, không tụ họp nha, có gì hẹn sau Tết”. Ờ, Tết là của gia đình mà.

Những năm gần đây người Sài Gòn có phong trào làm nhà vườn ở các huyện ngoại thành hay tỉnh lân cận. Vậy là bầy trẻ Sài Gòn được “về quê” ăn Tết. Bánh tét quê thì khỏi chê. Bà nội, bà ngoại Sài Gòn xuống vườn, mượn các chị hàng xóm tới gói bánh. Mình thường chứng kiến có 3 vòng : vòng trong cùng là các chị áo bà ba xanh, đỏ, tím, vàng ngồi trên sàn cao, thoăn thoắt gói bánh và nói cười rôm rả. Vòng 2 là đám con nít chạy tới chạy lui coi gói bánh và chờ sai vặt. Vòng ngoài cùng là bầy chó đủ màu, đủ loại, rối rít vẫy đuôi, chờ đám vòng 2 được sai đi đâu là hùng hục chạy theo. Tới đêm, ai cũng thức coi nồi bánh. Trời lạnh, sương xuống, tụi nhóc Sài Gòn sung sướng ngồi gần bếp lửa ấm áp, tập lùi khoai, bắp thơm lừng, rồi ăn như chưa thấy gì ngon hơn.

Trưa 30 cúng rước Ông Bà về ăn Tết, rồi làm cơm cúng mỗi ngày, tới mùng 3 lại cúng đưa Ông Bà đi. Các cô giúp việc bây giờ cũng nghỉ Tết theo Luật lao động, những ngày cao điểm này gia chủ tự lo. Không cần cầu kỳ, thịnh soạn nhưng phải đầy đủ và trang trọng. Trẻ con chạy lăng xăng phụ bưng bê, dọn dẹp, trong đầu thắc mắc ghê lắm. Có đứa nhỏ hỏi :” Ông Bà có về thiệt không ? Cúng vậy có phải mê tín dị đoan không ?” Được giải thích về lòng tin và phong tục rồi thì nó yên tâm và trang nghiêm cúng kính. Cha mẹ cũng tự tin sau này có đứa làm cơm cúng mình !

Giờ không còn pháo nữa, đêm giao thừa leo lên lầu cao coi pháo hoa. Nhà nhà trang trọng cúng trời, đất, gia tiên. Mùi pháo được thay bằng mùi giấy vàng bạc đốt trong đêm. Yêu cái cảm giác đêm lạnh ngồi đốt giấy, có đứa nhỏ choàng ôm cổ mẹ từ phía sau , áp tấm thân mũm mĩm vô lưng mẹ, áp cái má hồng hào vô má của mẹ, khịt khịt mũi vì khói, thích thú coi “tiền” cháy. Được mẹ thơm cho một cái thì nó thơm lại hai cái.

Sáng mùng Một nên đi lễ sớm. Chùa chưa đông, ai nấy mặc đồ đẹp, các bà, các cô áo dài tha thướt. Nhà chùa quả là vất vả từ đêm 30. Mùi nhang thoang thoảng, các sư thầy trang nghiêm và tận tụy. Tha thẩn một vòng quanh chùa, mỉm cười với mọi người, thấy đời thêm đẹp. Buổi lễ sớm ở các giáo đường lại đông hơn mọi ngày. Ai cũng đẹp hơn trong khung cảnh trang trọng đầy yêu thương. Các nhà thờ đã kịp thay trang trí giáng sinh bằng trang trí Tết rất đẹp và nghệ thuật.

Nhà ở gần chợ hoa, mình thường được chồng chở đi dạo chơi vài ngày, ngắm nghía, trò chuyện với các em sinh viên bán hàng trước khi rước về những chậu hoa ưng ý nhất. Nhà nào cũng đầy hoa, cả mai, đào rồi các loại hoa trái, nhưng Hội Hoa Xuân và Đường Hoa vẫn tấp nập. Những sản phẩm mỹ nghệ, cây, hoa, chim, cá, thú đẹp nhất, mới nhất đều được đưa về Sài Gòn. Người nghiên cứu, kẻ chụp hình, mua sắm. Các cậu con trai của mình không mặn mọi gì với hoa lá vẫn vui vẻ, kiên nhẫn tháp tùng mẹ và Ông, Bà dạo chơi. Người ta không chen lấn hay bẻ trộm hoa nhưng ăn vặt rồi xả rác thì vẫn có đấy.

Tết, thế nào cũng coi vài vở hài kịch. Dạo chơi ban đêm cũng thật an lành. Với những người thiếu thời gian lại tranh thủ đọc sách. Trẻ con cũng được dẫn đi nhà sách hay đường sách, dùng tiền lì xì mua sách đọc.

Hồi này rất nhiều người ăn để khỏe và đẹp chứ không nhậu như trước. Tết thăm nhau chứ không phải đi nhậu. Các ông chồng hãnh diện khoe những món nhà làm (chứ không chỉ vợ làm nhé). Các ông bạn của mình vẫn vô bếp và biết làm cả bánh chưng, bánh tét cơ đấy. Nhà nào may mắn có bà nội, bà ngoại còn thêm món gia truyền. Các bà mẹ hiện đại Tết nào cũng có món mới, ngoài mứt và bánh truyền thống còn có cả bánh Tây, bánh Nhật…. Công thức cũng thay đổi chút ít, giảm đường, không hóa chất, không đẹp mắt lắm nhưng phải ngon và tốt cho sức khỏe.

Tết lại sắp về, góc nhỏ Sài gòn của tôi bắt đầu rạo rực. Những phụ nữ hiện đại quanh tôi biết làm đẹp, giữ sức khỏe và năng động quanh năm. Tết đến, bận rộn hơn một chút lại làm các nàng trông hiền thục và đằm thắm hơn, đáng yêu hơn. Có than thở đấy nhưng vẫn thích làm đủ thứ, chăm hoa nở cho đẹp và không quên làm đẹp cho mình, chụp hình up lên mạng chờ… like.

Cô THANH HƯƠNG PHS

Tác giả
PHS School
PHS School

Trường tiểu học, trung học cơ sở & trung học phổ thông Thái Bình Dương là trường song ngữ Việt - Anh được tổ chức hoạt động theo tiêu chuẩn Quốc tế nhằm phát triển các năng lực then chốt, giúp học sinh hòa nhập với các nền giáo dục tiên tiến toàn cầu và phát triển tối đa năng lực cá nhân.