You are using an outdated browser. For a faster, safer browsing experience, upgrade for free today.

Loading...

Dạy học sinh theo đuổi mục tiêu cá nhân


  • Th7 08, 2014
  • đã xem 993 lần

Bệnh thành tích lâu năm vẫn còn tồn tại trong xã hội chúng ta, khiến cho giáo viên cũng phải đua theo với thành tích của lớp, của trường. Những thành tích này rất khác so với mục tiêu của từng học sinh. Đặc biệt đối với học sinh cấp III.

Xác định mục tiêu là kỹ năng sống đầu tiên được dạy tại PHS. Bước vào năm lớp 10, học sinh và phụ huynh cần thống nhất với giáo viên chủ nhiệm mục tiêu học tập trong ba năm tới và mục tiêu vào đời của từng em. Mục tiêu có thể được thay đổi theo từng giai đoạn và các kế hoạch thực hiện cũng được giáo viên tư vấn điều chỉnh kịp thời.

Đối với học sinh tiểu học và cấp II, vào đầu năm học, đầu học kỳ, sau khi đã hiểu rõ năng lực từng học sinh, giáo viên chủ nhiệm sẽ ngồi lại với mỗi em để xác định mục tiêu học tập và phát triển. Tiếp theo mỗi học sinh sẽ được hướng dẫn lập kế hoạch để đạt mục tiêu của mình.

Nhà trường không nên tạo áp lực thành tích cho giáo viên chủ nhiệm. Việc yêu cầu lớp phải có tỷ lệ học sinh giỏi cao, thi tốt nghiệp đứng thứ hạng cao đang làm cho giáo viên phải dồn ép học sinh học quá nhiều. Các phụ huynh thường gọi đây là “kiểu nhồi nhét thiếu sáng tạo”.

Tại sao chúng ta lại phải dạy học sinh về mục tiêu cá nhân mà không dạy các em cách đứng nhất lớp, nhất trường, nhất thành phố như trước kia ?

Theo đuổi mục tiêu cá nhân khác rất nhiều với việc theo đuổi các thứ hạng trong lớp học. Lấy ví dụ một học sinh A được giáo viên giúp xác định mục tiêu cá nhân và lập kế hoạch, quản lý hoạt động của mình để đạt mục tiêu. Trong khi học sinh B hạ quyết tâm đứng hạng nhất trong lớp.

Mục tiêu lớn của A là trở thành kỹ sư chế tạo máy. Em có năng lực rất tốt ở môn Toán và các môn khoa học tự nhiên. Giáo viên chủ nhiệm cùng em đặt mục tiêu cho năm học như sau : Các môn toán và khoa học tự nhiên điểm trung bình cả năm trên 8,5; Để phát triển thói quen làm việc nghiêm túc, kiến thức toàn diện, tư duy tổng thể và trình bày tốt, các môn còn lại em cần đạt điểm trung bình trên 7,5. Em tham gia các dự án khoa học của trường và có ít nhất một dự án được trình bày trước Hội đồng trường. Để phát triển toàn diện các giá trị và kỹ năng sống, em tham gia 100% các hoạt động của trường, lớp. Do có năng khiếu nghệ thuật, em đặt mục tiêu đoạt giải PHS IDOL của năm học…. A vui vẻ lập kế hoạch để đạt mục tiêu của mình, em có sổ kế hoạch ghi chép đầy đủ các hoạt động, chia sẻ với bạn bè những bài tập khó, cùng học, cùng chơi một cách vô tư. Những lúc có bài làm chưa đạt yêu cầu, em tự điều chỉnh cách học tập để nắm tốt bài vở hơn, gặp thầy cô nhờ tư vấn hay giảng lại bài…

B hình thành tâm lý đám đông, em sẽ luôn để ý các bạn học thế nào để mình vượt lên 1 chút. Gặp lớp có đa số học sinh khá, giỏi, em sẽ nỗ lực nhiều hơn. Nếu gặp lớp các bạn không khá lắm, em sẽ không cần cố gắng nhiều. Em có thói quen đo đếm từng bài kiểm tra, so sánh ai hơn, ai thua. Em có tâm lý vui vẻ khi đạt thành tích tốt và không vui khi có ai đó vượt lên. Em tập trung vào thành tích học tập hơn là phát triển các kỹ năng vì kỹ năng không đo lường bằng điểm số. Có nhiều trường hợp mục tiêu thứ hạng là do phụ huynh đặt ra cho con. B vui mừng báo cáo với phụ huynh khi đạt thành tích tốt và lại lo lắng giải trình khi chưa giỏi hơn bạn. Có em phải đi học thêm để đảm bảo đứng đầu lớp, trường, thi học sinh giỏi hay vào trường chuyên lớp chọn.

Chúng ta không nói cách dạy nào hay hơn, nhưng PHS lựa chọn cách dạy học sinh A để có những thế hệ học sinh tự tin, biết rõ năng lực và đường đi của mình. Chúng ta cần nuôi dưỡng những học sinh có thể lực và trí tuệ tốt, mỗi em có thế mạnh riêng để thành công và hạnh phúc khi bước vào xã hội đầy thử thách trong tương lai.

Tác giả
PHS School
PHS School

Trường tiểu học, trung học cơ sở & trung học phổ thông Thái Bình Dương là trường song ngữ Việt - Anh được tổ chức hoạt động theo tiêu chuẩn Quốc tế nhằm phát triển các năng lực then chốt, giúp học sinh hòa nhập với các nền giáo dục tiên tiến toàn cầu và phát triển tối đa năng lực cá nhân.