Loading...
Đi học hay dự hội nghị ở nước ngoài rất nên đi một mình. Theo tôi, đây là thời gian tập trung hoàn toàn cho chuyên môn, mở rộng các mối quan hệ và học hỏi từ đồng nghiệp các nước.
Hồi trẻ, có lần tôi đi hội nghị ở Vienna, đoàn 7 người. Chuyến đi rất vui, tham quan cảnh đẹp của Áo, mua 1 con lạc đà bông xinh xắn khi transit Dubai… Nhưng tới giờ tuyệt nhiên tôi không nhớ mình học được gì, nghe gì…vì lúc nào đoàn Việt Nam cũng đi chung với nhau, vui tươi, rôm rả.
Hơn 20 năm trước tôi dự hội nghị của tổ chức Đào tạo và phát triển khu vực châu Á – Asian Regional Training and Development Organisation (ARTDO) tại Manila. Giờ khai mạc, tôi ngỡ ngàng thú vị khi thấy cờ Việt Nam được kéo lên cùng cờ các nước tham dự hội nghị, bởi vì tôi là người Việt nam duy nhất ở đây – dù 1 người cũng có cờ.
Chương trình của ARTDO có tổ chức họp bàn tròn với đại diện của tất cả các nước. Ban tổ chức mời tôi tham gia. Tôi giật mình từ chối : “ Tôi dự hội nghị để học hỏi chuyên môn thôi. Tôi không thuộc cơ quan chính phủ.” Họ nhất định thuyết phục tôi góp mặt để đảm bảo tính công bằng, cũng cho biết không có gì bí mật cấp cao cả. Vậy là tôi tham gia với tư cách quan sát viên. Tôi – trẻ măng, ngồi nghe và ghi chép lại những xu hướng trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Tôi ước mong lãnh đạo nước mình có ở đó, ước mong nước mình có những người nhiệt huyết và tầm nhìn như họ.
Tôi học hỏi nhiều từ ARTDO, nhưng điều đầu tiên tôi áp dụng ngay sau khi về Việt Nam lại chính là kỹ năng tổ chức sự kiện. Ngay sau đó tôi được giao tổ chức sự kiện cho công ty với hơn 500 người và kinh phí vài trăm triệu. Một công việc chẳng liên quan gì đến nghề training. Nhưng thật may tôi đã quan sát và học hỏi từng chi tiết trong công tác tổ chức hội nghị của họ.
Lần tôi đi Taipei dự hội thảo. Tôi bay ngay sau một cơn bão lớn. Trước khi lên máy bay tôi phone hỏi sếp có nên đi hay không. Sếp bảo : “ Máy bay bay được thì cô đi được chứ. Còn bài trình bày của cô thì sao ?” Tôi có bài trình bày 30’ về “ Quản lý chất lượng đào tạo.” Chúng tôi hỏi và chất vấn nhau rất nhiều để học tập và chia sẻ. Đội chủ nhà trình bày những nghiên cứu tâm lý và rất hữu dụng cho quản lý nhân sự mà tôi còn áp dụng cho tới bây giờ.
Hội nghị là nơi cung cấp nguồn tài liệu phong phú và mới mẻ nhất. Người ta đem tới những tư tưởng mới, những phát kiến, cải tiến, dự án đã cất công nghiên cứu và thử nghiệm vài năm. Chỉ còn việc chọn lọc và ứng dụng sao cho phù hợp. Tư tưởng lớn gặp nhau, nhiều khi những điều được trình bày tại hội nghị đã được tôi thực hiện vài năm rồi.
Đi hội nghị có rất nhiều bạn mới. Chỉ cần mình ngồi xuống 1 bàn trống, sẽ có người đến chào hỏi và ngồi cùng. Người ta cố ý mỗi buổi ngồi một chỗ khác nhau, với những nhóm khác nhau. Những người có bài trình bày còn tranh thủ mời bạn mới đến nghe bài của mình.
Đi hội nghị cũng cần phải lựa chọn. Với những hội nghị thường niên, chỉ nên đi 2 hoặc 5 năm 1 lần sẽ có những cái mới để học. Những phiên hội thảo nhỏ trong các hội nghị rất đa dạng nhưng cũng nhiều mục đích khác nhau. Thường tôi đọc kỹ phần giới thiệu để chọn được nội dung phù hợp nhất. Tôi cũng phải di chuyển liên tục để trong mỗi buổi có thể dự tối đa số hội thảo đã chọn.
Khi đi một mình, tôi luôn ở tại nơi do ban tổ chức sắp xếp. Tuy tốn kém nhưng an toàn và tiết kiệm thời gian đi lại. Thường là ở khách sạn 4 sao, có khi ở cả 1 căn hộ trong đợt học dài ngày. Đợt học quản lý đào tạo tại Montreal tôi ở 1 căn hộ có đủ bếp, phòng khách, phòng ngủ với đầy đủ dụng cụ nấu ăn. Các bạn trong lớp đem cả gia đình theo để tranh thủ tham quan Canada, còn tôi cứ lang thang và ăn uống ở ngoài tới khuya mới về.
Khi tôi ở tại trung tâm huấn luyện tại Taipei là tòa nhà cao cắm trên 1 cái đồi, với 3 tầng hầm và 15 tầng nổi. Phòng ở giống hộp diêm, nhỏ xíu, gọn gàng, cửa sổ hướng về thành phố, hành lang thì hẹp, dài hun hút…thấy ghê. Sáng nào tôi cũng xỏ giày thể thao chạy quanh đồi, hít thờ không khí trong lành, “ Nỉ hảo” tía lia.
Hết giờ làm việc tôi thường lang thang. Có khi tôi ngồi với 1 anh cựu chiến binh chơi ghitar bên đường, lúc lại nhập vào đám học trò tan trường. Những nơi may mắn có bạn bè hay bà con thì tôi được chở đi chơi cuối tuần. Tôi ít thích shopping, nhưng thích quan sát “ nền kinh tế”. Ở mỗi nơi, tôi tìm 1 sản phẩm đặc biệt và mua duy nhất 1 thứ đó làm quà cho tất cả mọi người. Từ thời sinh viên tôi đã có thói quen lang thang bảo tàng, đặc biệt là bảo tàng khoa học và nghệ thuật. Sau hội nghị tôi thường ở lại thêm 1, 2 ngày để tiếp tục lang thang.
Những hội nghị tôi dự chỉ quanh chuyên đề giáo dục, đào tạo và quản lý. Có điều tôi bực mình là đồng nghiệp các nước ít biết về Việt Nam. Có người còn hỏi : “ Việt Nam sau chiến tranh thì giờ thế nào rồi ?”- tôi nghe mà cảm thấy mặt mình dài ra như cái bơm. Mới đây khi sự hội nghị của UNESCO, giờ ăn trưa đang nói chuyện rôm rả, một anh thanh tra giáo dục của Ấn Độ ngồi cùng bàn thốt lên :
– Ồ ! Ở Việt Nam cũng có trường tư rồi à ? Thế ở nước cô trường nào là tốt nhất ?
Đôi mắt Ấn Độ đã to còn mở hết cỡ nhìn tôi. Tôi cũng nhướng to mắt :
– Dĩ nhiên là trường PHS tốt nhất rồi.
– Ồ, dĩ nhiên
– Dĩ nhiên
Những người khác vui vẻ hưởng ứng. Ông giáo già người Thụy Sĩ còn lịch thiệp nói thêm :
– Cô phải kể thêm cho tôi nghe về trường của cô nhé. Cách đây 20 năm tôi mở 1 trường ở Đức, rồi được có 2 năm thì phải đóng cửa.
Cả bàn lại gật gù :
– Ồ, dĩ nhiên, làm trường tư đâu phải dễ.
Cô THANH HƯƠNG
Trường tiểu học, trung học cơ sở & trung học phổ thông Thái Bình Dương là trường song ngữ Việt - Anh được tổ chức hoạt động theo tiêu chuẩn Quốc tế nhằm phát triển các năng lực then chốt, giúp học sinh hòa nhập với các nền giáo dục tiên tiến toàn cầu và phát triển tối đa năng lực cá nhân.