You are using an outdated browser. For a faster, safer browsing experience, upgrade for free today.

Loading...

Dạy trẻ qua các chuyến dã ngoại


  • Th7 16, 2015
  • đã xem 703 lần

Các chuyến dã ngoại của PHS luôn được thực hiện với rất nhiều công sức của thầy cô giáo. Đưa học trò ra ngoài là công việc khó khăn và thử thách hơn nhiều so với việc dạy các em trong lớp.

Bài học trước chuyến đi:

Chương trình dã ngoại được cung cấp cho học sinh và phụ huynh trước vài ngày hoặc vài tuần ( tùy vào độ dài chuyến dã ngoại). Một loạt các hoạt động bắt đầu trong sự hào hứng của học sinh và thầy cô. Tùy theo nhóm lớp, các giáo viên tập cho các em thực hiện công việc phù hợp : lập kế hoạch cho bản thân và nhóm/ lớp, phân công bạn trong nhóm, nhận dự án, lên danh mục đồ dùng ( check list), sắp xếp hành trang..v.v….

Các thầy cô còn chuẩn bị nhiều hơn: từ công tác quản lý học sinh đến các dự án, câu hỏi cho trước để các em tìm hiểu, các dụng cụ đến quà thưởng trò chơi, học tập…

Rất nhiều kỹ năng được thực hiện ngay trong quá trình chuẩn bị này. Biết học sinh hay quên trước sau, thầy, cô giúp các em tự kiểm tra liên tục phần việc được giao.

Thực hành trong các chuyến đi:

Mỗi chuyến dã ngoại có mục tiêu và chương trình riêng. Học sinh được huấn luyện tính kỷ luật, kỹ năng quản lý thời gian, tự kiểm tra, đánh giá, tinh thần đồng đội… để bản thân và nhóm luôn theo kịp tiến độ công việc.

Trong lớp học, mỗi giáo viên PHS quản lý tối đa 16 học sinh, nhưng khi đi dã ngoại mỗi giáo viên chỉ quản lý từ 5 đến 7 em và luôn có ban giám hiệu quản lý chung. Các hướng dẫn viên tại địa điểm tham quan hay hướng dẫn viên du lịch trong chuyến đi không có nghiệp vụ sư phạm nên chỉ có trách nhiệm truyền đạt thông tin, giải đáp câu hỏi của học sinh và giáo viên. Học sinh được thực hiện công việc theo nhóm với thầy cô không phải giáo viên chủ nhiệm của mình. Các em biết chia sẻ công việc, trưởng nhóm học sinh chia sẻ việc quản lý với giáo viên, thực hiện điều động của ban giám hiệu, di chuyển và thực hiện kế hoạch theo đoàn….

Ra thực tế, học sinh được rèn luyện khả năng thích nghi và tự bảo vệ. Kỹ năng quản lý bản thân và tổ chức công việc cá nhân hay nhóm đều được nâng cao khi cùng một thời điểm các em vừa thỏa thích khám phá những điều mới mẻ, vui đùa cùng thầy cô, bạn bè, biết dừng đúng lúc để tập trung lắng nghe hay làm việc…Quản lý ngân sách cũng là điều thú vị khi nhà trường chỉ cho phép mỗi học sinh đem theo một số tiền khiêm tốn vừa chi tiêu vừa mua quà về cho gia đình.

Kết thúc chuyến đi nhưng không phải kết thúc bài học:

Thật sai lầm khi ai đó nghĩ rằng học sinh học kỹ năng trong 1 hay vài ngày, cũng như kiến thức học một lần là thuộc. Điều này không đúng ngay cả với người lớn. Một chuyến đi với rất nhiều thông tin và cảm xúc sẽ đọng lại trong các em những điều vui vẻ, mới lạ lâu nhất. Điều đó rất tốt, các em sẽ thích tìm tòi cái mới, thích đi xa hơn, yêu thầy cô, quý bạn bè hơn. Kế tiếp là sự tự tin và “ từng trải”, các em sẽ bớt ngại khó khăn, chấp nhận những điều kiện sống ít thuận lợi hơn, dẻo dai hơn…. Các em sẽ thấy máy móc hiện đại không quá cần thiết khi ta có thể học rất nhiều từ mọi người và môi trường.

Thế nhưng những bài học và dự án cần nhiều thời gian hơn mới hoàn thành tốt được. Các em cần tổng hợp lại thông tin đã được ghi chép, sắp xếp lại hình ảnh, lưu các mẫu vật thu được…để làm thành bài trình bày chi tiết, đó là lần học thứ hai. Lần học thứ ba là khi các em trình bày trước lớp, trước trường dự án hay nghiên cứu của nhóm.

Các cảm xúc và trải nghiệm sẽ tiếp tục được chia sẻ, hình ảnh chuyến đi được lưu trữ và dán tại lớp hay những không gian sinh hoạt chung để các em luôn nhìn thấy và ghi nhớ.

Nguyên liệu cho các bài giảng:

Hình ảnh, mẫu vật và tài liệu ghi chép của các chuyến đi là nguyên liệu quý giá cho bài giảng của hầu hết các môn học. Thiếu đi nguồn nguyên liệu này, chúng ta sẽ xa rời thực tế. Dễ dàng nhận thấy các giáo viên PHS chăm chú ghi chép và hỏi han không ít hơn học trò. Chính các thầy cô đề nghị với nhà trường đi đâu, làm gì để hỗ trợ công tác chuyên môn của mình. Chúng ta luôn nói với học trò : “ thầy cô không biết hết mọi thứ, thầy cô cũng phải học.” Bằng sự nhiệt tình học tập của mình, chúng ta đang là tấm gương cho các em noi theo.

Các chuyến dã ngoại được thực hiện đều đặn với chương trình ngày càng phong phú đang góp phần xây dựng phong cách năng động và học tập mọi lúc mọi nơi cho các thành viên của PHS.

Cô THANH HƯƠNG

Tác giả
PHS School
PHS School

Trường tiểu học, trung học cơ sở & trung học phổ thông Thái Bình Dương là trường song ngữ Việt - Anh được tổ chức hoạt động theo tiêu chuẩn Quốc tế nhằm phát triển các năng lực then chốt, giúp học sinh hòa nhập với các nền giáo dục tiên tiến toàn cầu và phát triển tối đa năng lực cá nhân.