You are using an outdated browser. For a faster, safer browsing experience, upgrade for free today.

Loading...

Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention dificit hyperactivity disorder- ADHD)


  • Th5 17, 2015
  • đã xem 549 lần

RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý
(Attention dificit hyperactivity disorder- ADHD)

BS Ngô Văn Lương
Khoa Tâm Thần BVTW Huế

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn đã được biết đến từ hơn 100 năm trước đây, đặc trưng bởi sự kết hợp của một hành vi hoạt động quá mức, thiếu kiềm chế với giảm chú ý rõ rệt và thiếu kiên trì trong mọi công việc. Rối loạn này có tỷ lệ mắc khá cao, ở lứa tuổi học sinh cấp I là 3-5% , hay gặp nhất ở 8 – 11 tuổi và tỷ lệ trẻ trai so với trẻ gái là 3/1 ; các triệu chứng thường giảm nhiều và một số mất đi khi đến tuổi trưởng thành. Ở tuổi 20 tỉ lệ mắc còn chừng 1% và ở tuổi trung niên là 0,5%.

ADHD bắt đầu sớm trong quá trình phát triển, thường là trước 5 tuổi. Các nét đặc trưng chính là thiếu sự kiên trì trong các hoạt động đòi hỏi sự tham gia của nhận thức và có khuynh hướng chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác, nhưng không hoàn thành hoạt động nào cả, kết hợp vói một sự hoạt động quá mức, thiếu tổ chức và kém điều tiết. Những trẻ này thường dại dột, xung động, dễ bị tai nạn và bản thân chúng thường vi phạm kỷ luật do không tôn trọng các quy tắc (vì thiếu suy nghĩ hơn là cố tình chống đối). Các quan hệ của chúng đối với người lớn thường là thiếu kiềm chế, thiếu thận trọng và dè dặt, chúng thường không được các trẻ khác thừa nhận và có thể trở nên bị cô lập. Cũng thường gặp các tật chứng về nhận thức và các trạng thái chậm phát triển đặc hiệu về vận động và ngôn ngữ đi kèm.

ADHD biểu hiện bằng 3 đặc trưng chính:

  • Giảm sự chú ý: biểu hiện bằng sự bỏ dở các hoạt động trong khi chưa hoàn thành nên thường không hoàn thành tốt công việc. Thường chuyển một cách nhanh chóng từ hoạt động này sang hoạt động khác, không chú ý đến công việc đang làm vì thường bị hấp dẫn bởi một công việc khác.
  • Tăng hoạt động: biểu hiện bằng sự hoạt động quá mức, đặc biệt trong những hoàn cảnh đòi hỏi có sự yên tĩnh . Trẻ thường chạy nhảy liên tục, hoặc đứng dây khỏi chỗ trong khi được yêu cầu ngồi yên, nói nhiều quá mức và làm ồn ào, hoặc cựa quậy không ngừng trong khi ngồi.
  • Thiếu kiềm chế: biểu hiện bằng sự thiếu kiểm soát trong các mối quan hệ xã hội, sự dại dột trong những hoàn cảnh nguy hiểm, sự coi thường các qui tắc xã hội một cách xung động là nét đặc trưng của trẻ có rối loạn này.

Kiểm tra trạng thái tâm thần có thể thấy những dấu hiệu sau:

  • Sự xuất hiện thường xuyên của tăng hoạt động và giảm tập trung. Trẻ em với ADHD có thể biểu hiện hay cựa quậy, không thể ngồi yên, chạy liên tục quanh phòng. Người lớn bị ADHD có thể hay đãng trí, đứng ngồi không yên và hay quên.
  • Cảm xúc thường thích hợp và có thể vui vẻ, nhưng không khoái cảm. Khí sắc bình thường, không ảnh hưởng bởi ADHD.
  • Lời nói có tốc độ bình thường nhưng có thể to hơn. Quá trình suy nghĩ được định hướng với nội dung bình thường.
  • Sự tập trung chú ý giảm, bệnh nhân ADHD có thể gặp khó khăn với những bài tập tính toán và những nhiệm vụ đòi hỏi trí nhớ tạm thời. Sự định hướng, trí nhớ dài hạn, hay ý nghĩ trừu tượng không bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân của rối loạn cho đến nay vẫn chưa được biết rỏ. Các bằng chứng đã cho thấy rằng một nguyên nhân duy nhất không thể giải thích được cho rối loạn này.

Trước tiên, rối loạn có thể biểu hiện với sự tổn thương sinh học hay loạn chức năng hệ thần kinh trung ương. Những biểu hiện của loạn chức năng theo giả thiết này là những khó khăn trong việc kiểm tra sự tự điều chỉnh, tổ chức quá trình thông tin, sự chú ý, sự phản ứng xã hội và sự kiềm chế thích hợp (Douglas – 1983, Cohalen – 1989).. Tuy nhiên, tổn thương não trước, trong và sau khi sinh không được chứng minh là có liên quan đến rối loạn này.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ của rối loạn nhân cách chống xã hội, chứng nghiện rượu, lạm dụng ma tuý ở cha và rối loạn phân ly ở mẹ của trẻ ADHD không liên quan trong việc phân biệt những trẻ có và không kèm theo các vi phạm về đạo đức. August và Steward ( 1983 ) thì cho rằng những rối loạn ở cha mẹ được kể ở trên đi kèm với ADHD chỉ khi hội chứng cùng xảy ra với những rối loạn khác. Tuy vậy, cha của trẻ ADHD thường cũng có biểu hiện tương tự hoặc đã có trong thời thơ ấu. Điều này gợi ý là có yếu tố di truyền.

Zametkin và Rapopoit thì cho rằng chức năng catecholamine và sự điều tiết của nó rất có khả năng liên quan đến nguyên nhân gây bệnh và điều trị ADHD. Một số nghiên cứu lại phát hiện ở trẻ ADHD methylphenidate và dextroamphetamine gây ra việc tiết nhanh nhiều các hóc môn tăng trưởng.

Thomson và cộng sự ( 1989 ) đã phát hiện mức chì trong máu cao có khả năng gây các vấn đề về hành vi và nhận thức ở trẻ.

Một số nghiên cứu gần đây sử dụng kỷ thuật chụp cắt lớp có đồng vị phóng xạ ( PET ) đã chứng minh được những thay đổi về phát triển trong suốt thời thơ ấu và vị thành niên theo mật độ của thụ thể dopamine, lượng máu não và sử dụng glucose ở thùy trán.

Nhiều nghiên cứu cũng đã quan tâm đến các yếu tố tâm lý xã hội. Một số báo cáo chỉ ra sự liên quan giữa stress gia đình và địa vị kinh tế xã hội thấp với tỷ lệ mắc ADHD. Sự hiện diện của tình trạng dễ bị thương tổn sinh học cùng với sự gia tăng ly hôn, cha mẹ làm việc suốt ngày, cha mẹ và thầy cô giáo ít quan tâm chăm sóc có thể làm cho trẻ dễ bị rối loạn hơn trẻ bình thường.

Tóm lại, sự dễ tổn thương sinh học và các yếu tố tâm lý xã hội, môi trường cùng tương tác để tạo ra nguyên nhân, tính phức tạp và hậu quả của rối loạn.

Về điều trị, những nghiên cứu gần đây đã nói lên rằng liệu pháp hoá học có hiệu quả hơn liệu pháp hành vi hay chăm sóc tại cộng đồng. Dùng thuốc kết hợp với liệu pháp hành vi được cho là hợp lý nhất. Liệu pháp bao gồm :

  • Thuốc:
    1. Methylphenidate ( Ritalin), Dextroamphetamine ( Dexedrin):
      • Nên bắt đầu với liều lượng thấp nhất và điều chỉnh dần cho phù hợp với hiệu lực lâm sàng và sự dung nạp thuốc.
      • Mục đích nhắm tới bao gồm giải quyết xung động, giảm tập trung, khó hoàn thành công việc, tăng hoạt động và giảm chú ý.
      • Lưu ý không uống thuốc gần lúc đi ngủ vì thuốc có thể gây mất ngủ.
    2. Thuốc chống trầm cảm SSRI (Venlafaxine…), thuốc chống trầm cảm ba vòng (Imipramine, Nortriptyline…) được sử dụng khi có lo âu, trầm cảm. An thần kinh cũng có thể dùng để làm giảm bớt hoạt động nhưng chú ý đề phòng gây an dịu quá mức.
  • Liệu pháp hành vi:
    • Có kết quả tốt khi được sử dụng kết hợp với chế độ thuốc hiệu quả.
    • Làm việc với bố mẹ trẻ và nhà trường để thiết lập môi trường có lợi cho sự tập trung và chú ý là cần thiết.
    • Liệu pháp hành vi nhằm giúp trẻ giảm bớt những dự định không chắc chắn và tăng cường sự tổ chức.
  • Đối với người lớn bị ADHD, lao động để làm giảm bớt sự sao lãng và tăng cường kỹ năng tổ chức là việc làm có ích.
  • Việc giáo dục cho người bệnh và các thành viên gia đình họ là rất quan trọng. Khuyến khích việc dùng thuốc, giáo dục việc điều khiển hành vi, tập luyện kỹ năng xã hội và thường xuyên điều chỉnh lại nhận thức. Để chăm sóc trẻ mắc ADHD một cách tốt nhất cần thực hiện các vấn đề sau (theo ý kiến của các chuyên gia thuộc Đại học Michigan):
    1. Hãy chú ý đến những phẩm chất tốt của trẻ và nói cho trẻ biết điều này.
    2. Khi muốn khen ngợi trẻ hãy cho trẻ biết đã làm những hành động nào tốt và bạn rất thích những hành động đó.
    3. Hãy dùng lời lẽ nhẹ nhàng để hướng dẫn trẻ làm việc.
    4. Cho trẻ biết bạn muốn trẻ làm như thế này thế kia thay vì bảo trẻ đừng làm điều này điều kia.
    5. Do thuốc điều trị ADHD có thể ảnh hưởng đến sự ngon miệng của trẻ nên chú ý nấu cho trẻ những bữa ăn ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng.
    6. Luôn để mắt đến trẻ khi trẻ chơi và tập thể dục thể thao để ngăn ngừa các chấn thương có thể xảy ra do các hoạt động hiếu động thái quá của trẻ.
Tác giả
PHS School
PHS School

Trường tiểu học, trung học cơ sở & trung học phổ thông Thái Bình Dương là trường song ngữ Việt - Anh được tổ chức hoạt động theo tiêu chuẩn Quốc tế nhằm phát triển các năng lực then chốt, giúp học sinh hòa nhập với các nền giáo dục tiên tiến toàn cầu và phát triển tối đa năng lực cá nhân.