DẠY NHẠC TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG ?
CÓ HIỆU QUẢ KHÔNG ?
Sau khoảng hơn 2 tuần làm việc chung với các học sinh trường Thái Bình Dương, câu trả lời của cá nhân tôi là : Rất hiệu quả ! Là một giảng viên âm nhạc tại Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, tôi nhận lời mời tham gia giảng dạy môn hợp xướng - dàn nhạc cho học sinh trường TH - THCS và THPT Thái Bình Dương. Tôi chỉ có hai tuần làm việc với các em trước buổi biểu diễn đón chào năm mới với tên gọi rất dễ thương " Cherish 2015 “ ( 2015 Yêu thương).
Có thể nói cái tên của chương trình là một trong những lý do khiến tôi nhận lời mời này, vì theo suy nghĩ chủ quan ban đầu, tôi không dám chắc những học sinh không chuyên lại có thể tập âm nhạc một cách chuyên nghiệp : hát hợp xướng nhiều bè, làm việc với bản nhạc phối cho nhiều nhạc cụ....chỉ trong khoảng 2 tuần lễ mà một tuần tập chung khoảng 8 tiết học. Thật lòng tôi đã nghĩ là không thể nào. ^_^
Ấy vậy mà, các học sinh của PHS đã đưa tôi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác... Phải kể đến điều ngạc nhiên đầu tiên là dàn hợp xướng hơn 80 học sinh của các khối lớp từ 1-9. Các em bé khối tiểu học đảm nhận riêng 1 bè, các bé làm việc với ý thức chuyên nghiệp rất cao, trước khi tập chung cả dàn hợp xướng, các bé được dạy từng cao độ nốt nhạc, từng nhịp phách đảo, từng cách ngân dài cho đủ trường độ của nốt nhạc...Thật ngạc nhiên, các bé làm đúng ngay từ lần tập đầu khiến tôi thích thú vô cùng! Sự hồn nhiên trong sáng, sự tinh nghịch trẻ thơ không hề mất đi, khi những nốt nhạc vang lên, các bé như những người nghệ sĩ thực thụ, luyện tập hết mình!
Các bạn bé như vậy, thì các bạn lớp lớn hơn không khiến tôi gặp khó khăn chút nào bởi thái độ làm việc cũng như khả năng cảm thụ âm nhạc của hầu hết học sinh tại đây rất tốt! Cách các em nghe và bắt đúng cao độ cho bè mà mình được phân công, cách các em biết lắng nghe cả 2 bè khác để cùng hoà cho đúng khiến tôi có cảm giác mình đang làm việc với học sinh trường nhạc chuyên nghiệp!
Điều tiếp theo mang lại ngạc nhiên cho tôi, đó là khả năng chơi nhạc cụ rất tốt của học sinh nơi đây! Ở PHS học sinh nào cũng chơi ít nhất một loại nhạc cụ. Các em được gia đình động viên và giúp đỡ theo đuổi niềm say mê âm nhạc của mình với : piano, organ, guitar, kèn melodion. Và khi tới trường, các em được tạo một sân chơi âm nhạc rất thú vị, giúp các em được thể hiện khả năng của mình trước các bạn... Một mô hình mà theo chủ quan của tôi, chúng ta nên học tập và phát triển trong môi trường giáo dục phổ thông trên cả nước.
Hãy khiến những ngày tới trường của các con là mỗi ngày vui tươi trong không khí âm nhạc, bởi chắc chúng ta ai cũng biết, âm nhạc đóng góp phần quan trọng trong việc phát triển cảm xúc và tư tưởng của con người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hãy cho các em cơ hội được tiếp cận với những thể loại âm nhạc chính quy, giúp các em phát triển những tâm hồn cao đẹp và hướng thiện.
NTTA
THỜI GIAN CHĂM SÓC GIA ĐÌNH CỦA MẸ
Học sinh lớp 10 PHS vừa làm cuộc khảo sát toàn trường :“ Thời gian mẹ chăm sóc gia đình” ( không phải chỉ chăm sóc con) .
Học sinh lớp 10 đã đến từng lớp hướng dẫn cách làm phiếu khảo sát. Sau khi thu phiếu về, các em thống kê, tính toán số thời gian trung bình mẹ chăm sóc gia đình của toàn trường PHS và theo các nhóm tuổi.
Thời gian chăm sóc gia đình trung bình của mẹ học sinh PHS là 8,7 giờ/ ngày tương đương 8 giờ 42 phút. Riêng mẹ của học sinh khối 1,2,3 chăm sóc gia đình 9,95 giờ/ ngày, gần bằng 10 tiếng đồng hồ. Trong khi đó mẹ vẫn đi làm ít nhất 8 tiếng mỗi ngày.
Số liệu thu được khiến tất cả các em học sinh bất ngờ vì mẹ làm việc nhiều quá. Học sinh lớp 10 tiếp tục phân tích một vấn đề xã hội : “ Phụ nữ phải dành thời gian quá nhiều cho vai trò làm mẹ, làm vợ, làm con gái, làm dâu trong khi vẫn làm việc ngoài xã hội”.
Sơ đồ tư duy “ Thời gian mẹ chăm sóc gia đình “ thể hiện những thông tin đơn giản nhất để học sinh từ lớp 1 có thể hiều được. Kết quả khảo sát cũng đã gửi đến giáo viên chủ nhiệm để thầy cô giải thích cặn kẽ cho tất cả học sinh vừa kịp trước Ngày của Mẹ. Các em học sinh đã tự xác định những việc cần làm để giúp mẹ và làm cho mẹ hạnh phúc hơn.
Cuộc khảo sát này là một bài tập phát triển kỹ năng thống kê và phân tích thuộc bộ môn Business của PHS.
Mỗi đợt trường PHS tuyển dụng giáo viên, sàng lọc vài chục hồ sơ, phỏng vấn vài người và tôi chỉ nhận được một, hai người. Rất nhiều giáo viên theo dõi thường xuyên trang web và facebook PHS. Tôi đăng bài này để các bạn giáo viên và các bạn đang đào tạo giáo viên tham khảo.
Các chuyến dã ngoại của PHS luôn được thực hiện với rất nhiều công sức của thầy cô giáo. Đưa học trò ra ngoài là công việc khó khăn và thử thách hơn nhiều so với việc dạy các em trong lớp.